Video Information
Cuối năm 1972, làng điện ảnh Sài Gòn chấn động trước sự xuất hiện của bộ phim kinh dị Con ma nhà họ Hứa do Lê Hoàng Hoa làm đạo diễn, nội dung xoay quanh hành tung bí ẩn của cô gái mắc bệnh phong cùi trong một tòa biệt thự. Chỉ sau một ngày ra rạp, Con ma nhà họ Hứa đã đạt doanh thu kỷ lục là 4 triệu rưỡi đồng, một ngân khoản khổng lồ tại thời điểm đó.
Từ giai thoại đến truyện phim
Tại chùa Nghệ Sĩ (quận Gò Vấp, Sài Gòn), ông Diệp Nam Thắng (87 tuổi, còn gọi là ông bầu Xuân, nguyên trưởng đoàn cải lương Dạ Lý Hương) bồi hồi nhớ lại : “Năm 1972, chiến tranh diễn biến phức tạp, tình hình sân khấu cải lương tụt dốc thê thảm, trong đó có đoàn Dạ Lý Hương đang hoang mang trước nguy cơ rã gánh, thì vào một chiều nọ, ngồi uống sinh tố với một số anh em nghệ sĩ tại rạp hát Hào Huê, bất ngờ diễn viên Thẩm Thúy Hằng gợi ý : ‘Sao anh không chuyển qua làm phim, hổng chừng còn ăn hơn cải lương đó’. Thấy hợp lý, sau đó tôi xin giấy phép thành lập Dạ Lý Hương Films và mời đạo diễn Lê Dân thực hiện bộ phim màu ‘Lan và Điệp’. Nhưng khi công chiếu, phim đã thất bại về mặt doanh thu, mặc dù có cặp tài tử đang ăn khách là Thanh Nga – Thanh Tú cùng Bạch Tuyết và ‘quái kiệt’ Ba Vân“.
Cuối năm 1972, bầu Xuân thực hiện bộ phim kinh dị Con ma nhà họ Hứa và mời Lê Hoàng Hoa (1933 – 2012) làm đạo diễn. Kịch bản Con ma nhà họ Hứa do soạn giả Nguyễn Thành Châu (Năm Châu) viết dựa theo câu chuyện Con tinh xuất hiện tại thủ đô Sài Gòn đã đăng 11 kỳ trên nhật báo Tiếng dội miền Nam vào đấu tháng 1 năm 1963.
Câu chuyện kể về ông Hứa Bổn Hỏa (Jean Baptiste Hui Bon Hoa, 1845 – 1901) – thường được gọi là “chú Hỏa”, một người Minh Hương, lưu lạc sang Việt Nam làm nghề buôn bán phế liệu, tình cờ phát hiện trong chiếc lư đồng cũ chứa hàng trăm thỏi vàng. Sẵn lộc trời, ông Hứa Bổn Hỏa tậu nhà mua đất, trở thành “vua địa ốc” lừng lẫy tại Sài Gòn – Chợ Lớn. Nhưng tai họa ập đến khi cô con gái út phát bệnh cùi mà y học lúc bấy giờ chưa có thuốc chữa, từ đó vô số câu chuyện được dư luận thêu dệt đồn thổi đến mức hoang đường. Nào là thiếu nữ cùi bị cha nhốt và bỏ đói đến chết trong ngôi biệt thự giữa Sài Gòn (còn gọi là “nhà chú Hỏa”, Bảo tàng Mỹ thuật Thành phố Hồ Chí Minh hiện nay) để làm “thần giữ của”, nào là Hứa Bổn Hòa tổ chức “đám ma giả” cho con gái nhằm tránh sự đồn thổi ác ý từ dư luận…
Rút kinh nghiệm từ thất bại của Lan và Điệp, trước khi thực hiện Con ma nhà họ Hứa, bầu Xuân cho “diễn nháp” vở cải lương kinh dị Hồn ma trinh nữ trên sân khấu Dạ Lý Hương với cô đào Thanh Nga (vai Thúy Hồng) nhằm thăm dò thị hiếu công chúng. Vở lập tức gây “cháy vé” suốt một tháng liền tại rạp Cao Đồng Hưng (Gia Định), do đó khi phim Con ma nhà họ Hứa được công chiếu thì công chúng đổ xô đi xem. Phim Con ma nhà họ Hứa thành công bởi khán giả tò mò muốn xem “Thúy Hồng” Thanh Nga với “Thúy Hồng” Bạch Tuyết thì ai diễn vai ma… hay hơn, coi “kép mùi” Dũng Thanh Lâm ở sân khấu cải lương có khác tài tử cinéma Dũng Thanh Lâm trên màn ảnh rộng hay không. So với Lan và Điệp thì Con ma nhà họ Hứakhông phải cải lương được điện ảnh hóa, mà ngược lại, điện ảnh đã bị… cải lương hóa.
Chỉ trong ngày đầu ra rạp, bộ phim Con ma nhà họ Hứa đạt doanh thu kỷ lục 4 triệu rưỡi đồng, qua mặt phim Nhà tôi của Lidac Films. Điều đáng nói, “con ma” là phim đen trắng, trong khi Nhà tôi của đạo diễn Lê Dân là phim màu. Ký giả Người Quan Sát nhận định trên tờ Điện ảnh Kịch trường như sau : “Lê Hoàng Hoa với khuynh hướng lạ, táo bạo thực hiện ‘Con ma nhà họ Hứa’, xuất phẩm đầu tiên được chú ý nhất của Dạ Lý Hương Films“. Rất nhiều nhật báo, tuần báo, tạp chí ca ngợi bộ phim, tôn vinh tài năng của đạo diễn Lê Hoàng Hoa, thậm chí ký giả Quỳnh Kỳ phong ông là “vua phim kinh dị Việt Nam”. Tờ Kịch Ảnh nhận định : “Đây là phim kinh dị dẫn dắt người xem đi vào thế giới ma quái khiếp đảm, phim ma Việt Nam chưa có phim nào qua mặt được phim này kể từ trước tới nay, đó là thành công của Lê Hoàng Hoa“. Cây bút Sơn Dũng trên tạp chí Phim cho rằng : “Doanh thu ‘Con ma nhà họ Hứa’ ăn đứt phim ‘Dracula’ !“.
Đạo diễn Lê Hoàng Hoa (bìa phải).
◆ Bộ phim ra đời trùng hợp với dịp kỷ niệm 100 năm phát hiện nấm khuẩn Mycobacterium leprea và Mycobacterium lepromatosis, tác nhân bệnh phong cùi, một trong bốn ác tật xưa, “tứ đại nan y” – phong, lao, cổ, lại – bởi bác sĩ Gerhard Armauer Hansen (1841-1912)].
◆ “Con ma nhà họ Hứa” đã thành một khẩu ngữ trong tiếng Việt để chỉ những người hứa mà không giữ lời.
◆ Tuy khá đơn giản về kỹ xảo nhưng bộ phim đã hoàn thành tốt mục tiêu của mình khi làm khán giả phát run lên vì sợ.
◆ Trong bối cảnh điện ảnh Việt Nam Cộng hòa đang lâm vào khủng hoảng nghiêm trọng vì chiến tranh, bộ phim ra đời đã gây nên cơn sốt vé khủng khiếp tại Sài Gòn.
◆ Kết thúc thời gian công chiếu, bộ phim đạt doanh thu cao ngất và đạo diễn Lê Hoàng Hoa trở thành triệu phú, sau này lại được cải lương chuyển soạn rồi ghi hình.
◆ Năm 2007, đạo diễn Lê Hoàng Hoa nảy ý định làm lại bộ phim này nhưng không thực hiện được vì thiếu tài trợ.
Nỗi ám ảnh mang tên “Con ma nhà họ Hứa”
Lúc ban sơ, kịch bản của soạn giả Năm Châu có nhan đề là Con ma nhà chú Hỏa. Tuy nhiên, gia đình ông Hứa Bổn Hòa đòi đâm đơn kiện Dạ Lý Hương Films vì đã “xúc phạm tên tuổi”, nên tựa phim phải đổi thành Con ma nhà họ Hứa. Bối cảnh phim chỉ quay tại hai địa điểm : Tòa biệt thự của chú Hỏa tại Quận 1 (Sài Gòn) và khu nhà mồ chú Hỏa giữa cánh đồng ven xa lộ Biên Hòa.
Ngày đầu bấm máy (quay phim là ông Nguyễn Văn Để – nghệ danh Diên An) tại Thủ Đức, nhiều thành viên trong đoàn làm phim liên tiếp gặp sự cố như : Máy phát điện bị hỏng, thư ký trường quay giẫm phải dây kẽm gai, nhân viên hóa trang bị lấy cắp đồng hồ, hai cây đèn 110V không cắm điện bỗng dưng bốc cháy, tài xế chở diễn viên ngủ trên xe bị “ma đè”…
Linh tính có “điềm gở”, đích thân ông bầu Xuân phải chở một con heo quay to đùng cùng hai mâm đầy trái cây, nhang, gạo… tới phim trường. Đợi đến nửa đêm, ông chủ hãng phim ra đứng giữa đồng thắp hương khấn xin “người khuất mặt”… thông cảm, tạo thuận lợi cho đoàn làm phim. Thật kỳ lạ, sau khi nhang tàn nến tắt, những sự cố liên tiếp xảy ra trước đó tự dưng chấm dứt, máy quay chạy ro ro, đèn pha sáng trưng… Ông bầu Xuân rùng mình.
Ông Bùi Nhật Quang (81 tuổi) – Phó đạo diễn phim Con ma nhà họ Hứa – kể lại : “Bởi đây là phim ma, do đó quay cảnh đêm nhiều. Sợ nhất là những cảnh quay đêm ở khu nhà mồ của chú Hỏa tại xa lộ Biên Hòa. Khu nhà thờ chú Hỏa nằm giữa nghĩa trang dày đặc hàng trăm ngôi mộ, âm u lạnh lẽo, không nhang khói. Cạnh khu nhà thờ là cái giếng hoang bên cạnh một cây da xà dây leo chằng chịt. Người dân quanh vùng cho biết, vào những đêm trăng sáng, họ nghe tiếng múc nước xối như có ai đang tắm mặc dù xung quanh toàn mồ mả, không một bóng người, rồi tiếng than khóc tỉ tê phát ra từ trên cây da xà… Rất nhiều cảnh quay khiến anh em đoàn làm phim vã mồ hôi hột như cảnh xác chết bật dậy từ trong cỗ áo quan, con trăn ngoác mồm đỏ lừ trườn từ hòm ra, cảnh đoàn người đốt đuốc đưa linh cữu đi trong đêm mưa vào nghĩa trang Biên Hòa u tịch…“.
“Một tối nọ, tôi cùng đoàn làm phim thực hiện cảnh quay tại ngôi biệt thự cổ. Khoảng hơn 9 giờ, tôi tranh thủ nằm chợp mắt tại căn phòng ở tầng hai nhà chú Hỏa, nơi dùng làm bối cảnh chính của bộ phim. Đang lim dim mơ màng, bất chợt cảm giác như có ai đó lay mạnh vai tôi, dường như không muốn cho tôi nằm ở đây. Nghe có vẻ liêu trai nhưng đó là sự thật !” – Nghệ sĩ Bạch Tuyết (vai Thúy Hồng – cô gái mắc bệnh phong cùi) trầm ngâm hồi tưởng.
Nữ tài tử Bạch Tuyết. Ảnh chụp năm 1966.
(theo : Ngọc Thiện – Báo Công an Thành phố Hồ Chí Minh)
CON MA NHÀ HỌ HỨA
Năm sản xuất : 1972
Quốc gia : Việt Nam Cộng hòa
Nhà sản xuất : Dạ Lý Hương Films
Đạo diễn : Lê Hoàng Hoa, Bùi Nhật Quang
Biên kịch : Nguyễn Thành Châu, Nguyễn Phương
Tài tử : Bạch Tuyết, Thanh Tú, Dũng Thanh Lâm, Tư Rọm, Bà Năm Sa Đéc, Ba Vân, Năm Châu, Tâm Phan, Khả Năng, Thanh Việt, Minh Ngọc, Tùng Lâm, Thy Mai
Mọi chuyện bắt đầu khi đứa con gái của chú Hỏa mắc bệnh phong, lở loét khắp người, móng tay, móng chân tróc ra, máu mủ chảy tùm lum. Vì con gái bị bệnh như vậy, nên chú cho con gái sống cách li trong một căn phòng kín, hằng ngày cho quản gia đem đồ ăn, áo quần đến chăm sóc. Lúc đầu, người quản gia không thắc mắc gì cho lắm (vì đối với người Hoa, quản gia là người rất trung thành, chủ biểu gì làm nấy). Nhưng sau đó một thời gian, ông ta mới thắc mắc không hiểu vì sao cô con gái bị bệnh đến bây giờ vẫn còn sống (theo như y học thì những bệnh như vậy không sống được lâu) và mỗi ngày ông vẫn phải đem cơm, quần áo đến phòng rồi lấy đi những bộ quần áo dính đầy máu. Người quản gia quyết định thực hiện cuộc điều tra tìm hiểu sự thật…
Văn Hải tổng hợp
0 Comment