Video Information
Trong lịch sử mỹ thuật Việt Nam, Lê Văn Đệ được nhắc đến như một nghệ sĩ bậc thầy, một họa sĩ tiêu biểu cho xu hướng cổ điển và tân cổ điển Việt Nam. Ông là người Á Đông đầu tiên trở thành hội viên Hội Nghệ sĩ quốc gia Pháp và ông cũng chính là người chịu trách nhiệm trang trí cho lễ đài tại Quảng trường Ba Đình ngày 2 tháng 9 năm 1945.
Ngay từ thời còn ngồi trên ghế nhà trường trung học, ông đã được bạn bè ngợi ca về tài vẽ nhanh và đẹp. Năm 1925, sau khi tốt nghiệp trung học, ông thi vào Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương, Hà Nội và đỗ thủ khoa. Trong những năm theo học ở Trường Cao đẳng Mỹ thuật, ông luôn được xếp vào hạng sinh viên xuất sắc của trường. Đến năm 1930, Lê Văn Đệ tốt nghiệp thủ khoa và được ghi nhận là họa sĩ sở trường về thể loại tranh lụa, tranh sơn dầu và bích họa.
Năm 1931, Lê Văn Đệ được học bổng của Hội SAMPIC sang học tại Trường Cao đẳng Quốc gia Mỹ thuật Pháp ở Thủ đô Paris. Trong thời gian học tại Paris, nhiều tác phẩm của ông đã gây được sự chú ý trong giới nghệ thuật.Năm 1933, ông đoạt được giải nhì cho hội họa do Hội Nghệ sĩ quốc gia Pháp tổ chức với 3 tác phẩm "Bà thầy bói", "Trên sân ga Montparnasse", "Thiếu nữ điểm trang". Tranh ông được chọn triển lãm tại phòng số 1 - một gian phòng dành cho những tài năng xuất sắc chọn từ 5.000 họa sĩ các nước. Có hơn 40 tờ báo Pháp lúc bấy giờ đã đề cập đến tác phẩm của ông (theo Đông Dương tuần báo). Trong cuộc triển lãm Nghệ sĩ quốc gia Pháp năm 1934, Bộ Văn hóa Pháp đã chọn mua ngay một bức tranh "Trong gia đình" của ông để treo ở Bảo tàng Mỹ thuật Luxembourg.
Ngoài tranh sơn dầu, ông năng sáng tác tranh lụa hơn (dù đến nay, có lẽ do đặc điểm chất liệu nên những bức này còn lại rất ít). Giới nghiên cứu mỹ thuật cho rằng, tranh lụa của Lê Văn Đệ óng chuốt, đài các, là một sự bổ sung cần thiết cho phần khuyết thiếu của tranh lụa Nguyễn Phan Chánh. Là người am tường văn hóa phương Đông lẫn văn hóa phương Tây, trong cuộc sống đời thường, họa sĩ Lê Văn Đệ nghiêng về sự dân dã. Trong kỹ thuật tranh lụa, ông đã có những tìm tòi độc đáo như dùng màu sắc thiên nhiên thay thế cho màu hóa học, để làm tăng thêm chất hiện thực và vẻ mềm mại của loại tranh này. Khi vẽ thì không vẽ theo lối công bút của Trung Quốc mà là nhuộm màu từng bước, mỗi lần vẽ xong phải rửa cho cặn màu trôi đi, sau đó lại nhuộm thêm cho đến khi thấy độ màu ổn định mới thôi. Nếu vẽ rửa nhiều nước thì độ mướt của chất lụa sẽ giảm, chà cọ nhiều tơ lụa sẽ bị xù lông, hoặc mặt lụa bị lì, lụa không còn độ bám của màu nữa, lúc đó người vẽ phải thay lụa mới. Chính vì thế, tranh của ông thường óng ả, mềm mại, thớ lụa rõ ràng, bố cục mạch lạc, quý phái, dễ tạo nên cảm giác có một lớp nước rất mỏng, trong trẻo, dịu dàng, đưa người thưởng ngoạn quên đi phần nào cái đau khổ của phận người, của một kiếp phù sinh.
Tên khai sinh: Lê Văn Đệ
Nghệ danh: Celso-Léon Lê Văn Đệ
Ngày sinh: 24 tháng 8, 1906 tại Mỏ Cày, Bến Tre
Ngày mất: 16 tháng 3, 1966 tại Sài Gòn
Phong cách nghệ thuật: Tranh tranh lụa, tranh sơn dầu và bích họa với khuynh hướng tân cổ điển
Tác phẩm chính: Bà thầy bói, Trên sân ga Montparnasse, Thiếu nữ điểm trang, Trong gia đình, Thánh mẫu nhân từ, Thánh nữ Madeleine dưới chân thánh giá, Thiếu nữ ngủ ngày.
Một số tác phẩm tiêu biểu của Họa sĩ Lê Văn Đệ
Tác phẩm “Nắng Hè” rất nổi tiếng của ông được vẽ năm 1954 tại Hà Nội
Tác phẩm “Trong Gia Đình” (1934) cũng có bố cục mẹ bồng con nằm võng và thêm nhiều nhân vật, đã triển lãm tại Milan (Ý) và được Bộ Trưởng Thương Mại Pháp Lamoureux mua về để treo tại Viện Bảo Tàng Luxembourg
Bức "Ba cậu bé" được bán với giá 500.000 HKD trong đợt đấu giá tại sàn Sotheby’s
Tác phẩm "Thiếu nữ"
Tác phẩm "Thánh nữ bồng Thánh trẻ hài nhi"
Tác phẩm "Thiếu nữ bên cầu ao"
Một số hình ảnh về tác giả
Họa sư Celso-Léon Lê Văn Đệ
Giáo Sư Lê Văn Đệ và họa sĩ Trương Thị Thịnh
Giáo Sư Lê Văn Đệ và các sinh viên Quốc Gia Cao Đẳng Mỹ Thuật Gia Định
0 Comment